Chauminhhay's Blog

Suy nghĩ về bài Lão Mai quyền

Nhân đọc bài “Lão Mai quyền, Đạo trong võ” của võ sư Trần Xuân Mẫn, võ đường Kỳ Sơn, Hội An,  trên website Vovinam Thái Nguyên.

( http://vovinamthainguyen.vn/?dnt=/view/post/&post=1429 )

Tôi lại có hứng thú viết đôi điều theo thiển ý của mình mạn đàm với những người thích tìm hiểu về võ thuật ViệtNam. Có thể những suy diễn này không đúng, nhưng chúng ta cũng thử ngẫm nghĩ xem, Bài Lão Mai Quyền có thật là mô tả Cây Mai già không nhé.

Văn hóa ViệtNamchuyển biến theo từng giai đoạn, nhất là văn hóa ngôn ngữ: viết và đọc. Để khắc họa một giai thoại, một văn tự, hay một di huấn v.v… Người ViệtNamthường sử dụng phổ thông 3 loại chữ viết có ảnh hưởng không nhỏ bởi các thời kỳ nước ta bị đô hộ. Đầu tiên nhìn thấy phổ biến từ các bằng chứng về lịch sử để lại lâu đời nhất, đó là chữ Hán, Sau đó đến chữ Nôm, kế đến là chữ quốc ngữ, song song với nhiều văn tự được viết bằng tiếng Pháp. Đó là những chặng đường phát triển kinh qua từng giai đoạn ảnh hưởng văn hóa của ngoại quốc. Chưa kể một số phát âm theo tiếng địa phương. Hoặc theo tập quán của từng vùng miền, từng dân tộc.

Các bài ca quyết (thiệu), tên gọi của võ thuật ViệtNamxưa, đã gần như sử dụng theo cách phát âm Hán hoặc Nôm. Và gần như hầu hết đều được lưu truyền theo lối truyền khẩu theo cách dạy vó thời xưa. Tài liệu ghi chép đã ít lại còn thất thoát, hoặc sao chép thiếu chuẩn xác dẫn tới sự lệch lạc. Từ đó mỗi người suy diễn theo mỗi kiểu, dần dần bị thui chột những bài bản hay của võ cổ truyền ViệtNam.

Vì vậy để diễn giải một cách chính xác ngữ và nghĩa của các bài thiệu, tên gọi này, cần có thời gian và giới chuyên ngành, đồng thời áp dụng lý luận thực tế đễ có thể diễn gải mang tính chính xác cao. Một câu không phù hợp với động tác sẽ trở nên tối nghĩa, hoặc mơ hồ, dẫn tới tính rập khuôn thiếu khoa học.

Trong phạm vi bài Quyền Lão Mai, một trong những bài quyền nổi tiếng của võ Cổ truyền Việt Nam, theo tôi thì nội dung bài quyền không diễn tả một cây mai già như đa số vẫn nghĩ. Mà bài Lão Mai đã diễn tả lối đánh của một con khỉ (Hầu quyền). Chữ Mai ở đây là một tên gọi khác của con khỉ!

Tùy theo địa phương, có nơi còn gọi con khỉ là “con Nuôi”, ông Tề, con Khọt. v.v… Mai trong quyền là con khỉ = Lão Mai là con khỉ già.

Trước hết ta cùng đọc lại một lần bài thiệu (ca quyết) diễn Nôm của bài Lão Mai quyền:

Lão Mai độc thọ nhất chi dinh (*)

Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hành

Thoái nhất bộ đơn hầu lão khởi

Phi nhất túc hoành khí thanh đình

Tàn nha hổ dương oai xiết tỏa

Chuyển dốc long nổ lực lôi oanh

Lão hầu thối tọa liền ba biến

Hồ điệp song phi lão bản sanh

Nguyệt quách song câu lôi diễn (**)chấn

Vân tôn tam tảo hồ xà thành.

(*)      Có thể do truyền khẩu mà chứ di thành chữ dinh. “Chi di” = di chuyển bằng  tay. Nếu “chi dinh” thì không có nghĩa!

(**)    “Viễn chấn” =  tiếng sấm xa, nếu “diễn chấn” thì không có nghĩa

Dịch:

Mai già một cội một cành

Hai chân nhẹ lướt bộ hành tiến lên

Lui về một bước tọa liền

Luân thân tung cước trụ hình hiên ngang

Giương oai sức hổ đánh sang

Chuyển mình hồi bộ rồng càng ra uy

Khỉ già núp bóng một khi

Vụt chồm như sóng tức thì đánh lên

Hai bướm bay trước bản tiền

Vầng trăng vằn vặc hai viền móc câu

Liên hồi sấm động sơn đầu

Gom mây ba lượt quét mao thổi tà.

Câu thứ 1 : Lão mai độc thọ nhất chi di.

Được dịch là: Mai già một cội một cành  = Khỉ già chân đứng tay đi. Điều này là hình tượng nhìn thấy rất phổ biến ở loài khỉ. Khỉ có khả năng di chuyển bằng 1 chân sau và một tay trước. Nghĩa là Lão Mai ở đây theo tên gọi khác của con khỉ già, độc thọ là một chân, nhất chi là một tay, di là di chuyển  hay nói một cách khác là  khỉ già đang di chuyển bằng một chân và một tay.

Câu thứ 2 : Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hành (hoành).

Được dịch là : Hai chân nhẹ lướt bộ hành (hoành) tiến lên = Hai chân nhè nhẹ  bước đi  (lưỡng túc = hai chân, khinh khinh=nhè nhẹ, tấn bộ hoành là dáng điệu đi tới).

Câu thứ 3 : Thoái nhất bộ đơn Hầu lão khởi .

Được dịch là: Lui về một bước tọa liền = Lui một bước lão Hầu phục xuống = Khỉ già lùi về một bước để chuẩn bị.

Câu thứ 4 : Phi nhất túc hoành khí thanh đình.

Được dịch là: Luân thân tung cước trụ hình hiên ngang = tung người, khỉ đá 2 chân.

Câu thứ 5 : Tàn nha hổ dương oai xiết tỏa.

Được dịch là: Giương oai sức hổ đánh sang = Tấn công dũng mãnh như sức hổ.

Câu thứ 6 : Chuyển dốc long nổ lực lôi oanh.

Được dịch là: Chuyển mình hồi bộ rồng càng ra uy = Chuyển đòn đánh trời long đất lở.

Câu thứ 7 : Lão Hầu thối tọa liền ba biến.

Được dịch là: Khỉ già núp bóng một khi = Khỉ già lùi ngồi xuống tránh liền ba lượt.

Câu thứ 8 : Hồ điệp song phi lão bản sanh.

Được dịch là: Hai bướm bay trước bản tiền = Hai đá như bướm vờn bảo toàn mạng.

Câu thứ 9 : Nguyệt quách song câu lôi diễn chấn.

Được dịch là: Vầng trăng vằn vặc hai viền móc câu = 2 móc hình trăng khuyết  đánh như sấm sét.

Câu thứ 10 : Vân tôn tam tảo hồ xà thành. Được dịch là : Gom mây ba lượt quét mao thổi tà = quét sạch gian tà trời quang mây tạnh (thanh bình).

Tóm lại, Qua phân tích như vậy sẽ thấy bài Lão Mai quyền không mô tả một cây mai già như xưa nay nhiều người vẫn tưởng, mà mô tả một lối đánh của một lão Hầu (khỉ già) Đây là một bài võ thuộc thể loại Hầu Quyền.

Vả lại trong bài đã nhiều lần nhắc đến chữ “hầu” hoặc hình tượng của khỉ. Vậy có phù hợp với lối diễn “cội Mai già “ không nhỉ?

12 bình luận »

  1. Một suy nghĩ quá hay và logic, lẽ thường khi các hình ảnh của thiên nhiên khi đi vào võ thuật đều mang theo tính chiến đấu hữu dụng của nó. Ví như hổ trảo hay miu quyền đều hình thành từ các thế vồ mồi và di chuyển của nó. Còn cây tre cây trúc hửu dụng nhờ tính dẻo dai(nghiêng mình trong gió tre đu – xả kỷ tùng nhân), dù ngọn có xoay chuyển nhưng góc vẫn vững vàng, bảo trì trọng tâm là nguyên lý của quyền pháp tự nhiên. Còn cây mai thì cứng nhắc, lại dể gãy, ngươi xưa làm sao dựa vào cây mai mà có thể thấy được võ…..

    Bình luận bởi Vo Danh — Tháng Chín 29, 2012 @ 9:53 chiều | Trả lời

    • cảm ơn bạn đã đồng quan điểm.

      Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Chín 30, 2012 @ 7:08 chiều | Trả lời

  2. thưa thầy, cho em được hỏi
    em thấy bài lão Mai và bài Ngọc Trản của Vovinam mình rất khác với bài Lão Mai và Ngọc Trản trong 10 bài võ quy định Võ Cổ Truyền
    thầy có biết tại sao không ạ?

    Bình luận bởi Tr.Quân — Tháng Một 8, 2013 @ 11:56 sáng | Trả lời

    • Không chỉ riêng 2 bài quyền này, mà còn nhiều bài khác nữa cũng đều của Cổ Truyền, nhưng mỗi phái họ thể hiện một cách, chỉ giống nhau về cơ bản.
      Riêng với Vovinam thì các bài võ Cổ Truyền được cách điệu lại để các động tác gãy gọn, dứt khoát mới có thể phổ cập đại trà được. (nếu thể hiện theo đúng nguyên mẫu thì đánh tập thể không đều)

      Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Một 8, 2013 @ 1:52 chiều | Trả lời

      • Thưa thầy, em có một ý kiến nhỏ như thế này
        do em tập võ chưa lâu, hiểu biết nông cạn nên có gì sai sót mong thầy chỉ bảo
        em cũng biết nhiều bài quyền của Vovinam – Việt Võ Đạo được cách điệu lại từ các bài quyền của võ cổ truyền.
        Tuy nhiên, em xin lấy ví dụ về hai bài Long Hổ Quyền (gốc: Long Hổ Hội Quyền) và bài Việt Võ Đạo Quyền (tên khác: Bát Quái Quyền; gốc: Bát Quái Chân Quyền)
        hai bài quyền gốc hiện nay vẫn được lưu truyền trong môn phái Bình Định Sa Long Cương (và một vài võ phái khác). theo cảm nhân của cá nhân em thì hai bài quyền này sau khi được cách điệu bởi Vovinam thì đẹp và thanh thoát hơn cả hai bài quyền gốc (đây chỉ là ý kiến cá nhân không có ý so sánh giữa các môn phái) nhưng để nói là có tính phổ cập cao hơn thì em thấy không đúng lắm
        tâm chí có những kĩ thuật trong hai bài quyền đã cách điệu còn khó thực hiện cả bài quyền gốc
        nhưng với hai bài này vẫn có thể nhận ra những tương đồng giữa bài quyền sau cách điệu và bài quyền gốc, còn trở lại với hai bài Lão Mai và Ngọc Trản thì em gần như không tìm được điểm chung nào cả?
        Rất mong được thầy chỉ dạy thêm.

        Bình luận bởi Tr.Quân — Tháng Một 8, 2013 @ 10:38 chiều

      • Rất hoan nghênh các phản hồi của em và cảm ơn em đã có những nhận xét về một số khía cạnh của bài bản, để từ đó các võ sư cao đẳng có cơ sở mà nghiên cứu thêm.
        Thật ra thì như tôi đã nói. Tên một bài quyền nào đó thì như nhau, nhưng mỗi võ phái thể hiện mỗi cách, không hẳn là có các nét cơ bản giống nhau, chẳng hạn như bài Tứ Trụ quyền của Vovinam hoàn toàn không có một nét nào giống bài Tứ Trụ của Võ Cổ truyền. Do vậy mà các bài quyền của em nêu có thể cũng như vậy, Bởi võ Cổ Truyền Việt Nam rất nhiều phái, mỗi phái có bài bản riêng của họ tuy có cùng tên gọi.
        Trong thời gian phong trào “Võ Thuật học đường” (1965), vì không đủ huấn luyện viên nên có rất nhiều huấn luyện viên của các môn phái võ nước ngoài và võ cổ truyền Việt Nam tham gia vào Vovinam. Họ đã mang nhiều kỹ thuật của các môn võ khác bổ sung vào Vovinam.
        Ví dụ: Võ sư Nguyễn Hữu Nhạc của võ đường Sa Long Cương đã mang bài Long Hổ Quyền vào Vovinam.
        Vì lý do nói trên, hệ thống kỹ thuật của Vovinam sau thời “Võ thuật học đường” đã khác một cách cơ bản so với hệ thống võ thuật do võ sư Nguyễn Lộc truyền dạy
        Hy vộng với tâm huyết này, em tiếp tục tìm hiểu và cung cấp thêm cho chúng tôi những góc nhìn khác của thế hệ kế thừa đối với võ thuật Việt Nam nói chung và Vovinam nói riêng.
        Thân ái.

        Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Một 9, 2013 @ 9:52 sáng

      • dạ, rất cám ơn thầy.
        tiện đây thầy đã nhắc đến, em muốn tìm hiểu thêm một chút, rất mong thầy bỏ chút thời gian chỉ bảo
        “hệ thống kỹ thuật của Vovinam sau thời “Võ thuật học đường” đã khác một cách cơ bản so với hệ thống võ thuật do võ sư Nguyễn Lộc truyền dạy”
        vậy thầy có thể cho chúng em được biết phần nào về chương trình luyện tập vào thời Sáng Tổ còn trực tiếp truyền dạy được không ạ??
        với những thông tin hiện nay tìm được trên internet, những người lớp sau như chúng em chỉ biết một cách rất đại khái về quá trình phát triển hệ thống kĩ thuật của Vovinam, đặc biệt là vào giai đoạn đầu khi mới hình thành và phát triển
        Ví dụ như về “nhuyễn công” em thấy được nhắc đến rất nhiều trong các trang giới thiệu về Vovinam nhưng qua một thời gian theo học em vẫn chưa hỏi được ai “nhuyễn công” trong Vovinam là thế nào, và cũng gần như không thấy đề cập tới trong tập luyện hiện nay (em tập Vovinam tại một clb ở Hà Nội)
        Rất mong thầy có thêm nhiều bài viết cung thêm những thông tin giá trị cho những lớp người đi sau của Vovinam được biết.

        Bình luận bởi Tr.Quân — Tháng Một 9, 2013 @ 7:52 chiều

      • Tr.Quân thân mến.
        Rất thú vị khi nhận được các câu hỏi của em đặt ra, như thế mới là học chứ! “Học, Hỏi, Hành là 3 tiêu chí được Vovinam đưa ra cho người môn sinh.
        Bể học thì vô bờ, kiến thức cũng mênh mông. Do vậy không ai có thể hiểu biết tường tận mọi lẽ. Tôi cũng chỉ là một người mà sự hiểu biết cũng giới hạn trong phạm vi nho nhỏ thôi. Cho nên chỉ có thể giải đáp cho em một vài câu đã từng học, từng đọc qua ở đâu đó.

        – Thời kỳ Vovinam khởi lập là thời kỳ đất nước ta đang bị thực dân thống trị, do vậy Sáng tổ Nguyễn Lộc chủ trương muốn làm Cách mạng trước hết phải tự cách mạng chính mình trước đã. (Cách mạng Tâm Thân) Người thanh niên phải có một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, từ đó sẽ chiến thắng chính mình, vượt qua sự sợ hãi và dám đương đầu với kẻ thù bằng cả một tinh thần và ý chí quật cường của một dân tộc bị áp bức. Đòn thế của ông thiên về tự vệ và chiến đấu mang 2 yếu tố nhanh, mạnh quyết liệt.
        Các kỹ thuật sử dụng vũ khí của ông chủ yếu là các vũ khí thô sơ có sẵn như: búa rìu, gậy, mã tấu, batoong, ghế đẩu…
        Chương trình không nhiều nhưng thời gian luyện tập khá dài. Người học sau khi đã nắm bắt được kỹ thuật, bài bản thì có thể tự luyện tập với nhau và kết quả sẽ tùy thuộc vào thời gian luyện tập (công phu). Võ của Sáng tổ Nguyễn Lộc hòan toàn không có bài quyền nào, đòn ngắn chỉ vài ba động tác và yêu cầu luyện tập phải có 2 người.
        Về sau, Khi ông đã qua đời, thời kỳ võ thuật học đường mới nổ ra thì đó cũng là lúc võ thuật đang dần chuyển mình qua mục tiêu luyện tập thể thao. Các đòn thế được bổ sung thêm, cách điệu lại cho phù hợp với thời đại. Do nhu cầu thực tế, lại được sự chỉ đạo của Nha Thanh Niên và Nha Giáo dục nên Vovinam khuếch trương rất mạnh và rộng khắp trên địa bàn Sài Gòn lúc bấy giờ. Từ đó sự bất cập đã nảy sinh! Thời kỳ ấy cúng là lúc võ sư Chưởng môn đang giữ chức vụ Tổng Thư Ký Hội Quyền thuật Việt Nam, cho nên ông đã đề nghị các HLV, võ sư của các võ phái bạn giúp sức. và thế là hội đồng võ sư ngồi lại và chấp nhận cải tiến chương trình huấn luyện, trong đó có thu dụng một số bài bản của võ Cổ Truyền trong hình thức bổ sung để bảo tồn. Và đòn thế nguyên bản của võ sư Nguyễn Lộc đã phần nào biến cải từ đó.
        (em có thể xem thêm phần Hồi ký Chưởng môn để biết những bài bản được liệt kê sau này là phần của Chưởng môn, VS Trần Huy Phong, cùng một số võ sư khác đã phối hợp chế tác biên soạn)
        – Nhuyễn công ( cách luyện võ mềm mại, nhẹ nhàng) Trước hết, muốn thành công trong việc luyện tập Nhuyễn công phải vượt qua phần luyện khí (Khí công) Khí công là một danh từ chung cho nhiều môn luyện tập có liên quan đến điều khiển hơi thở (tham khảo thêm trong bài viết “Luyện khí công nên cân nhắc”)
        Với Vovinam thì không chủ trương chuyên sâu về khí công nhằm phục vụ cho một khía cạnh nào đó, mà mở rộng nhằm phục vụ cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nhằm nâng cao sức khỏe , nhạy bén trong kỹ năng sống hàng ngày. Do vậy việc luyện tập “Nhuyễn công” không được tách ra thành một môn chuyên biệt như một vài võ phái khác, mà sắp xếp vào chương trình với tên gọi Nhu Khí Công và Liên hoàn Đối Luyện. Các bài này tuy nhìn bề ngoài luyện tập nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhưng nếu đã trải qua phần luyện khí và có thể điều khiển hơi thở của mình khi luyện tập làm cho khí tụ được thì sẽ phát thành nội lực khi cần. Nhu Khí Công mang dáng dấp của Thái cực Quyền và Vịnh Xuân Quyền. cả hai phái này đều lấy khí làm trọng tâm luyện tập. Khi đã làm chủ được khí sẽ dễ dàng điều khiển nội lực.
        Vovinam đã đưa chương trình luyện thở vào ngay từ cấp Tự vệ để làm nền tảng cho việc luyện khí về sau. Tuy nhiên do tâm lý người học, lúc nào cũng muốn học cái mới và không mấy hững thú khi học các động tác xem giống như múa này, đồng thời đôi khi phải nồi bất động hàng giờ để luyện trong khi tuổi trẻ luân hiếu động. Từ đó một số võ sư, HLV theo đó đã chạy theo phong trào mà thiếu quan tâm đến chương trình luyện tập Nhu Khí Công.
        Vả lại thể hiện một bài quyền tính cương dễ gấp nhiều lần so với thể hiện một bài quyền mang tính nhu. Vì vậy môn sinh thường chọn thể hiện bài Song luyện mà không chọn bài Liên hoàn Đối luyện là vậy
        Trong chương trình thi cũng không đưa Nhu Khí hay Liên hoàn Đối luyện vào thi, do vậy hiện nay, gần như chỉ có đơn vị Tổ đường (31 Sư Vạn Hạnh, Quận 10, T.P HCM ) là vẫn duy trì các bài luyện tập Nhu Khí, Liên hoàn Đối Luyện, còn hầu hết đều không mấy mặn mà!
        Rất vui được trò chuyện với em. Chúc em sức khỏe và thành công.
        Thân ái

        Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Một 10, 2013 @ 10:42 sáng

      • Rất cám ơn thầy đã dành ra thời gian giải đáp những thắc mắc của em.
        Em rất mong trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đọc những bài viết của thầy
        Kính chúc thầy sức khỏe và có một cái Tết đầm ấm sắp tới đây.

        Bình luận bởi Tr.Quân — Tháng Một 10, 2013 @ 7:35 chiều

  3. Good day very cool blog!! Man .. Excellent ..
    Superb .. I’ll bookmark your blog and take the feeds additionally?
    I’m satisfied to seek out so many helpful information right
    here within the put up, we’d like work out extra techniques on this regard, thanks for sharing.
    . . . . .

    Bình luận bởi tôi 20 đoan trang — Tháng Mười Hai 27, 2013 @ 2:27 sáng | Trả lời

  4. Tôi đồng ý với quan điểm của anh. Bài quyền thường mô tả theo động các của các con vật trong quá trình chiến đấu và săn mồi, chưa thấy bài quyền nào mô tả theo hình dáng bất động của một loài thực vật nào đó.
    Gần đây có phóng sự nói về cây hoa mai trong ngày tết cũng cho rằng bài Lão Mai Quyền mô tả hình dág của cây hoa mai. Theo tôi, điều này chưa chính xác.

    Bình luận bởi Lò Ban Pún — Tháng Hai 18, 2014 @ 3:44 chiều | Trả lời

    • Thực tế thì những người làm phóng sự truyền hình không mấy am tường về nguyên lý võ thuật, họ chỉ nghe theo sự diễn giải, phân tích của các võ sư. Tuy nhiên gần như tất cả các võ sư từ xưa đến giờ vẫn “sao y bản chánh” lối diễn giải của “người xưa” mà không cần phải động não! Vì vậy từ hiểu nhầm này dẫn đến hiểu nhầm khác theo cách “truyền thống”. Tôi nghĩ, những người làm công tác nghiên cứu võ thuật cần thiết phải thay đổi cách nghĩ thì mới mong đưa nền võ thuật cổ truyền Việt Nam đến được với ánh sáng khoa học có giá trị thuyết phục hơn.
      Cảm ơn bạn đã đồng quan điểm với tôi.
      Trân trọng.

      Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Hai 19, 2014 @ 8:50 sáng | Trả lời


RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Gửi phản hồi cho tôi 20 đoan trang Hủy trả lời

Blog tại WordPress.com.