Chauminhhay's Blog

GIÁO ÁN huấn luyện môn Vovinam

Thời gian gần đây, một số HLV đã gửi thư hỏi thăm về giáo án và cách soạn giáo án phục vụ cho công tác huấn luyện môn Vovinam.

Trong khi chưa có một văn bản hướng dẫn giáo án chính thức từ phía Liên đoàn Vovinam Việt Nam cũng như  của Hội đồng Chưởng quản Môn phái.  Tôi xin cung cấp mẫu giáo án đã được áp dụng và trải nghiệm trong nhiều năm làm công tác huấn luyện của tôi, để quý đồng môn tham khảo:

Suốt giáo trình 6 tháng gồm 72 tiết học (chương trình phổ cập) ta cố gắng sắp xếp sao cho kết thúc chương trình vào buổi học thứ 60, vì chừa 12 tiết để ôn luyện, gọt dũa hầu chuẩn bị cho võ sinh thi thăng cấp.

Như vậy ta hình thành được những đề mục chính cho từng buổi tập, và đó cũng là đề tài cho mỗi giáo án. Căn cứ trên đề tài đó, HLV phụ trách soạn ra một giáo án thích hợp để các nội dung được bố trí hợp lý, liên kết với nhau suốt tiết học, tránh tình trạng giờ chết, gây tâm lý nhàm chán hoặc khối lượng vận động quá nhiều, gây mệt mõi vô ích vì sự thiếu chuẩn bị của người phụ trách.

            Một giáo án thường được soạn trên dàn bài chung:

I – Khởi động : (2 phần)

1) Khởi động chung.

2) Khởi động chuyên môn

II – Trọng động:

Đi vào những bài tập chính có tính chất dùng sức như đòn chiến lược, đòn cơ bản, bài song luyện, quyền,  đòn chân…

III – Thư giãn hồi sức – Học đòn mới.

IV – Tập bổ trợ:

Luyện cơ bắp, gân cốt, sức bền…

Đây là giáo án của giai đoạn tạo nền, ta có thể áp dụng đến cuối chương trình Lam đai tam cấp. Sang huyền đai sẽ dùng một giáo án theo mẫu khác. Mục đích chuyển hướng huấn luyện từ chiều rộng sang chiều sâu phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của bước tiến triển nghệ thuật, chuẩn bị cho người tập trở thành người dạy.

GIẢI THÍCH GIÁO ÁN

I – KHỞI ĐỘNG:

 1       – Khởi động chung: gồm 15 lối khởi động theo chương trình hiện hành

a)  Mục đích yêu cầu:

–  Đánh thức và làm nóng cơ bắp toàn thân, tránh tình trạng co rút cơ bắp khi trọng động.

–  Làm mềm gân, trơn khớp tránh được những trường hợp bong gân, sai khớp hoặc ảnh hưởng xấu đến khớp xương vì hoạt dịch chưa tiết đều.

–  Chuẩn bị tâm lý đầy đủ, thần kinh ổn dịnh, loại bỏ tạp niệm, tập trung cao độ vào buổi tập.

b)  Biện pháp thực hiện :

Tập trung tư tưởng vào vùng đang vận động, điều khiển hơi thở phối hợp với động tác, thực hiện tuần tự từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong.

2        – Khởi động chuyên môn:

Nằm trong dạng những bài tập chỉ định đơn giản, có gia tăng cường lực và tốc độ (khoảng 50% sức) với sự vận động toàn diện, mang mục đích tạo thói quen về chuyên môn hầu phục vụ cho phản xạ trong phần tập chính.

II – TRỌNG ĐỘNG:

            Qua khởi động, người tập hầu như đã chuẩn bị đầy đủ về thể chất cũng như tinh thần cho buổi tập. Trong phần trọng động cần khai thác tối đa 3 tố chất cơ bản: Nhanh. Mạnh. Bền sức. Từng cú đấm, cái đá ngoài yếu tố kỹ thuật chuẩn mực phải được thực hiện với trương lực cao nhất, chống mọi hiện tượng tập lấy có hoặc chỉ cử động cho thấy điệu bộ mà không có sự tập trung gắng sức. Khuyến khích người tập phát lực từ 80% sức đến tối đa.

III – THƯ GIÃN HỒI SỨC:

Có hai cách: bán phần và toàn phần.

1)     Bán phần: Đứng dang chân, dang tay hít sâu, gập người thở ra, buông lỏng cơ bắp.

Lối thư giãn này được thực hiện nhiều lần trong thời gian trọng động. Cứ sau một tiết mục luyện tập, hoặc thấy người tập thấm mệt, ta cho thư giãn tại chỗ khoảng 10 đến 15 giây.

2)     Toàn phần: Ngồi duỗi chân, đầu tiên dùng tay dần đều từ đùi đến bắp chân khoảng 10 giây. Sau đó thẳng lưng hít sâu, hai tay đặt vào phía đùi trên. Từ từ thở ra và ấn nhẹ từng nhịp từ đùi xuống đến cẳng chân và cứ thế lập lại. Thời gian thực hiện khoảng 50 giây. Lối thư giãn này chỉ nên  làm một lần khi hết giờ trọng động.

IV – HỌC ĐÒN MỚI:

            Mặc dù được thư giãn nhưng học viên vẫn chưa được hoàn toàn hồi phục. Để tranh thủ, trong thời gian hồi sức ta tiếp tục dạy kỹ thuật mới. Đây là tiết mục chủ đề của buổi tập.

            Cho võ sinh dồn hàng, ngồi thẳng lưng. Sự ngồi thẳng lưng và tập trung rất cần thiết trong khi nghe giảng và thị phạm. Sau đó đến phần thực tập, lúc này người tập không nhất thiết phải phát huy cường lực, mà chỉ tập trung vào việc thực hiện cho đúng kỹ thuật và thuộc đòn. (sử dụng 50% sức).

V – TẬP BỔ TRỢ:

            Các bài tập bổ trợ rất quan trọng trong giai đoạn tạo nền, giúp người tập kiện toàn các nhóm cơ bắp chủ yếu để thực hiện dễ dàng các kỹ thuật phức tạp. Tạm thời nêu ra một số bài chính như sau:

1-     Phục vụ té ngã:

–          Bài tập con tôm

–          Bài tập lăn ngựa gỗ.

2-     Phục vụ đá cao:

–          Bài tập dẽo chân.

3-     Luyện mép tay và luyện thân thép.

–          Băm nền xoa nóng

4-     Phát triển nội lực:

–          bài tập vận chuyển cơ bắp

Đến giai đoạn 2 và 3 thì bớt đi bài tập con tôm và lăn ngựa gỗ, thay vào đó là luyện nhảy công lực và hít đất còn các bài tập khác thì giữ nguyên.

MẪU GIÁO ÁN

(chương trình 90 phút)

Ngày…….tháng…….năm……….

lớp:…………………………………………………………..sĩ số:……………

Tiết học thứ:………………/72

chủ đề:…………………………………………………………………………

Tập hợp

I – Khởi động  (15 phút)

      –  Khởi động chung 15 lối

      –  Khởi động chuyên môn: Đấm đá cơ bản

II – Trọng động  (45 phút)

–          Ôn đòn : Đánh đơn – Đánh đôi

III – Thư giãn hồi sức và học Kỹ thuật mới – Thực tập (20 phút).

IV – Tập bổ trợ (10 phút)

Tan hàng.

***

Từ mẫu giáo án trên, ta thấy gồm 4 phần, trong đó phần 2 và phần 3 là chính yếu, đi thẳng vào chương trình. Đây là phần cần sự linh động trong lúc soạn giáo án. Có thể chia làm 3 nhóm trọng động:

      1 – Trọng động với quyền và đòn chiến lược.

      2 – Trọng động với đòn cơ bản và song luyện.

      3 – Trọng động với té ngã, Đòn chân. Khóa gỡ.

Vì chương trình có nhiều nội dung, ta không thể chuyên sâu tất cả trong một buổi tập. Vì vậy nếu như ta ôn tập thuộc nhóm nào thì nên dạy đòn kế tiếp của nhóm đó. Như vậy kết quả tiếp thu và ghi nhớ của học viên sẽ cao hơn.

Còn phần 1 và phần 2 sắp xếp cố định trong thời gian khá lâu, vì đây là những công phu luyện tập dài hạn. Tuy là phụ nhưng hỗ trợ rất lớn cho những phần chính.

“Một vận động viên giỏi thì giỏi lắm anh ta lấy được 4 huy chương vàng trong một giải, và 40 huy chương vàng trong một đời vận động viên của anh ta , nhưng một HLV giỏi có thể tạo ra vô số huy chương vàng trong một giải và nhiều thế hệ vàng trong cuộc đời huấn luyện của anh ta.”

Các bài có liên quan:

6 bình luận »

  1. Chào thầy Châu Minh Hay!
    Em là Nghĩa. Quê ở Nam Đàn, Nghệ An.
    Em rất đam mê võ thuật. Em đã tốt nghiệp Đại học và giờ về quê mở CLB Võ thuật Vovinam. Hiện tại clb của em hoạt động khá tốt, nhưng em tự thấy rằng trình độ và phương pháp huấn luyện của em chưa được ổn. Nhất là về Phương pháp huấn luyện! Rất mong thầy để lại lời khuyên quý báu để em hoàn thiện hơn trên con đường này?

    Xin cảm ơn Thầy và chúc thầy sức khỏe !

    Bình luận bởi Trần Văn Nghĩa — Tháng Mười Hai 26, 2012 @ 10:44 chiều | Trả lời

    • Chào em.
      Theo tôi biết thì ở Nghệ An phong trào luyện tập Vovinam cũng còn khá mới mẽ. Đã có một vài HLV liên lạc trực tiếp với tôi để yêu cầu tư vấn giống như em.
      Qua đó tôi thấy tinh thần cầu tiến của các em rất cao. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể tư vấn theo từng vấn đề cụ thể mà các em cần hiểu mà thôi.
      Vì vậy, nếu các em tin tưởng và có vấn đề nào chưa thấu đáo, các em có thể gửi email hay gọi điện thoại trực tiếp cho tôi. Tôi sẽ giúp các em trong phạm vi có thể. (trên lý thuyết là chính)
      Trước hết tôi khuyên các em nên sắp xếp thời gian, hoặc tìm kiếm những cơ hội thuận tiện để đến được với nơi nào có Hội, Liên đoàn cấp tỉnh, có võ sư cao đẳng để thụ huấn nắm bắt chương trình, kỹ thuật Vovinam và yêu cầu được hỗ trợ về chuyên môn để tạo điều kiện tốt cho các em phát triển phong trào Vovinam tại địa phương.
      Tôi tin rằng các em sẽ được hỗ trợ. Đồng thời về phía Nghệ An, các em cũng nên hợp đồng với nhau chặc chẽ và làm việc với cơ quan quản lý (Sở hay Liên đoàn võ thuật tỉnh) để đề nghị họ hỗ trợ về tư cách pháp nhân, tổ chức các đợt tập huấn, mời các bộ của Liên đoàn về hoặc gửi công văn thông báo các đợt tập huấn, thi thăng cấp về địa phương để dựa trên cơ sở đó các em tham gia vào các đợt tập huấn chuyên môn hay thi thăng cấp cho dễ dàng thuận tiện.
      ĐT của tôi 0982810893-
      email: minhchauvvn@gmail.com
      Thân ái!

      Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Mười Hai 27, 2012 @ 11:01 sáng | Trả lời

  2. Cảm ơn Thầy đã sớm gửi thư phản hồi !
    Vì tinh thần Vovinam cả nước nói chung và Vovinam Nghệ An nói riêng huynh đệ bọn em sẽ gắng sức hết mình tiến tới :-)) Trong quá trình làm Vovinam nếu gặp nhiều vấn đề về chuyên môn,…rất mong thầy chia sẻ, giúp đỡ! Chân thành cảm ơn thầy.

    Bình luận bởi Trần Văn Nghĩa — Tháng Mười Hai 28, 2012 @ 12:20 sáng | Trả lời

  3. […] Về Giáo án tập luyện, Võ sư Châu Minh Hay có chia sẻ Giáo án rất hay và hữu ích. Quý thầy, huấn luyện viên, bạn đồng môn có thể xem ở đây: https://chauminhhay.wordpress.com/giao-an-huan-luyen-mon-vovinam/ […]

    Pingback bởi [ Chia sẻ ] – Biểu mẫu quản lý tập luyện theo cấp độ | Học Võ Vovinam — Tháng Bảy 8, 2015 @ 12:02 sáng | Trả lời

  4. […] Về Giáo án tập luyện, Võ sư Châu Minh Hay có chia sẻ Giáo án rất hay và hữu ích. Quý thầy, huấn luyện viên, bạn đồng môn có thể xem ở đây: https://chauminhhay.wordpress.com/giao-an-huan-luyen-mon-vovinam/ […]

    Pingback bởi [ Chia sẻ ] – Biểu mẫu quản lý thời gian học võ Vovinam theo cấp độ | Học Võ Vovinam — Tháng Bảy 8, 2015 @ 12:11 sáng | Trả lời

  5. […] Về Giáo án tập luyện, Võ sư Châu Minh Hay có chia sẻ Giáo án rất hay và hữu ích. Quý thầy, huấn luyện viên, bạn đồng môn có thể xem ở đây: https://chauminhhay.wordpress.com/giao-an-huan-luyen-mon-vovinam/ […]

    Pingback bởi Vovinam – Sharing Form Practice | DucQuoc's Blog — Tháng Bảy 2, 2020 @ 1:45 sáng | Trả lời


RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.