Chauminhhay's Blog

Lời nói đầu

Rất vui được quý đồng môn và các bạn ghé thăm Blog.

Đây là một Blog cá nhân. Vì vậy các bài viết trong Blog mang “quan điểm cá nhân và hoàn toàn độc lập”. không mang tính chính trị hay màu sắc tôn giáo và không bị tác động bởi điều gì.
Quý độc giả yêu mến ghé thăm, là niềm vinh dự lớn cho chủ nhân Blog. Chủ nhân  đồng thời cũng là  tác giả hầu hết các bài viết, không có tham vọng sẽ làm thay đổi được gì vốn dĩ đã tồn tại “lâu đời” của xã hội cũng như của Môn phái! mà chỉ mong rằng quý đồng môn, kẻ trước người sau xem đó là một ý kiến để tham khảo với mục đích tôn vinh và vun đắp cho Vovinam nói riêng và cho xã hội nói chung, với phương châm “tốt cho người sẽ lợi cho mình”Tác giả cũng không hô hào điều gì cả như một vài đồng môn lầm tưởng, mà chỉ bày tỏ sự mong muốn của mình mà thôi.
Hầu hết các chuyện kể dựa trên sự việc có thật. Qua đó hư cấu thêm một vài chi tiết để tạo “ánh hào quang ” cho nền võ đạo Vovinam và cái tình của con người đối với con người.
Bằng tâm huyết và nỗ lực của cá nhân mình, chủ nhân Blog hy vọng mang đến cho quý độc giả những giây phút thoải mái và những thông tin/kiến thức  bổ ích về Môn phái Vovinam khi ghé thăm “tệ xá”, và rất mong nhận được những phản hồi góp ý .
Thân ái.
VovinamKhongBienGioi04g1234089_357101017756714_821504762_nh8
20130906-001

Luyện thể lực 20/07/2016

Luyện thể lực 05/08/2016

Tự bạch

Giữa năm 1970 Rất tình cờ, tôi được đơn vị cử theo học Khoá 1 Đào tạo HLV VoViNam tại Trung Tâm Huấn Luyện VoViNam ở một nơi có cái tên gọi khác đầy lãng mạn: “Buồn muôn thưở!” đó là Thị xã Ban Mê Thuột. Khi mà trong tôi lúc bấy giờ chưa có một chút khái niệm nào về VoViNam. Song chỉ vì lòng đam mê võ thuật từ thủa còn học cấp 2 nên tôi tìm đến với môn võ “rất mới” nhưng xem ra khá hấp dẫn này.

Người đầu tiên truyền thụ kỹ thuật VoVinam cho tôi là võ sư Trần Bảo.

VS Trần Bảo (người thứ 3 từ trái qua)

Tháng 4/1975. Chiến tranh chấm dứt, nước nhà thống nhất, tôi trở về quê hương. Bên cạnh niềm vui sum họp với gia đình là nỗi buồn canh cánh vì phải xa rời huynh đệ đồng môn bao nhiêu năm trời gắn bó. Không chỉ riêng Phú Yên, mà thời điểm ấy cả nước phong trào võ thuât nói chung, VoViNam nói riêng đều chửng lại. Không có hoạt động nào của Vovinam nên tôi cũng khó lòng tìm được những đồng môn ở quê nhà. Tôi tưởng như con đường Vovinam của tôi đã khép lại. Thế nhưng, niềm vui vỡ bờ, như nắng hạn gặp cơn mưa rào khi mà một buổi chiều của tháng 8 năm 1988. Võ sư Trương Sỹ Anh đến gặp tôi, lúc đó võ sư Trương Sỹ Anh mang Hoàng đai nhị. Anh đưa tôi đến thăm lớp tập mà anh vừa mới mở được ở trường PTCS phường 5, tức trường THCS Hùng Vương bây giờ. Anh mời tôi cộng tác và anh giao cho tôi 1 lớp thiếu niên, còn anh phụ trách lớp thanh niên.

Chỉ vài hôm sau đó anh đã đi vận đông được mấy anh em nữa như anh Trương Văn Tho, Lê Kim Tía, Bùi Hữu Phước, và ngày diễn ra khoá thi đầu tiên của Vovinam Phú Yên được tổ chức ngay tại trụ sở của Phòng TTVH&TDTT (nay là trụ sở của Sở TDTT-Phú Yên) do ông Ngô Càn Tùng, Phó Trưởng phòng TTVH&TDTT chủ trì, thì tôi được gặp thêm võ sư Nguyễn Quý…. Chúng tôi cùng nhau ôn luyện, ai nhớ thì hướng dẫn cho người đã quên. Bên cạnh đó, ngoài sự quan tâm đặc biệt của Võ sư Chưởng môn, các võ sư cao đẳng của Tổ Đường như võ sư Nguyễn Văn Sen, võ Sư Nguyễn Đình Nam… chúng tôi còn nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các võ sư Vovinam Nha Trang như Cố võ sư Nguyễn Bá Thuận, võ sư Lư Quang Đức, võ sư Hoàng Tiến Đăng, Nguyễn Văn Nghị… và các HLV Ngọc, Nghị, Sơn, Vũ… thay phiên nhau ra Tuy Hoà hướng dẫn bài bản cho chúng tôi.

Sự lớn mạnh của Vovinam Phú Yên trong những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước có thể ví như nước lũ tràn về. Chẳng bao lâu sau ngày chúng tôi tụ lại, thì cứ chiều về trên khắp mọi ngã đường thị xã, đâu đâu cũng thấy lủng lẳng trên vai của các thanh thiếu niên bộ võ phục màu xanh nước biển đổ về các sân tập ngày càng đông.

Theo đó dòng chảy nhanh chóng lan dần ra các xã vùng ven, thế là nhu cầu HLV không đáp ứng kịp sự phát triển quá nhanh này. Vậy là tôi “khăn gói lên đường”. Nói là “khăn gói lên đường” nhưng kỳ thực tôi và võ sư Trương Sỹ Anh mỗi người đều đảm nhận từ 2 đến 3 lớp tại địa phương, còn lại những ngày trái buổi anh em chúng tôi đi khai phá và đảm nhiệm thêm những điểm mới một thời gian, sau khi kèm cặp bồi dưỡng cho HLV tại địa phương vững vàng đủ sức đảm đương, chúng tôi mới giao lại cho họ và tiếp tục đi tìm…”vùng đất mới”. Đó cũng là thời gian chúng tôi quy tụ thêm nhiều huynh đệ đồng môn khác. Như Đoàn Văn Bình, Nguyễn Lâm Thanh, Đoàn Phước Thuận…

gito-py

BHL Vovinam Phú Yên năn 1995 (ảnh chụp tại võ đường riêng của Vovinam Phú Yên)

Từ tháng 6 năm 1991 đến giữa năm 1993 Tôi vừa là HLV chính Điểm tập Vovinam  khu du lịch Núi Nhạn đồng thời hỗ trợ huấn luyện cho các CLB Vovinam xã Hoà Quang, CLB Vovinam xã Hoà An, CLB Vovinam Xã Hoà Kiến . Đến tháng 9/1993 khu Du lịch Núi Nhạn giải thể, tôi chuyển công tác về trường  THCS Phường 2 (sau đổi thành Trường THCS Lý Tự Trọng), tôi mang luôn lớp võ về đó đồng thời khai phá và tiếp tục hỗ trợ huấn luyện cho các CLB Huyện Sông Cầu, CLB xã Sơn Long huyện Sơn Hoà của giai đoạn đầu mới thành lập.

Trong hơn 10 năm trời tôi đã đào tạo trên 70 môn sinh mang cấp Trung đẳng và gần một ngàn môn sinh sơ đảng khác. Trong đó có 4 môn sinh tham gia các giải toàn quốc 1992, 1994, 1995, 1996 mang về 7 Huy chương gồm: 1 Vàng, 4 Bạc và 2 Đồng . Bên cạnh đó tôi cũng có nhiều năm là HLV phó phụ trách huấn luyện đội tuyển tỉnh tham gia các giải VoViNam Toàn quốc từ năm 1992 đến năm 1998. Niềm tự hào nhất của tôi trong những năm ấy là đào tạo được một số môn sinh trung đẳng ưu tú có khả năng đứng lớp huấn luyện vững vàng tại quê nhà, và một số em khác khi vào Đại học đã tham gia đứng lớp một vài điểm tập ở Thành phố Hồ Chí Minh được các thầy đánh giá cao, đặc biệt 2 môn sinh: Nguyễn Văn Đề và Đặng Ngọc Viễn đã có công đưa Vovinam vào huấn luyện tại trường Đại học Đà Lạt trong những năm đầu của thập niên 1990. Mặc dù thời điểm ấy Vovinam Lâm Đồng rất mạnh. Tuy nhiên phải nói rằng, bên cạnh sự non trẻ của các em, thì các em còn có một chỗ dựa vững chắc là Hội Vovinam Lâm Đồng đã giúp đỡ rất nhiều cho hoạt động này.

Quan điểm của tôi là dùng “Võ” làm chất dẫn nhập, để truyền cái “Đạo”vào môn sinh.

Về công tác huấn luyện tôi là chia thành nhóm đối tượng để đào tạo: Nhóm thứ 1, là các em có khả năng tư duy tốt, trình độ học văn hoá khá giỏi, đòn cơ bản chuẩn, đẹp, phong cách chững chạc và nhất là có khả năng nói chuyện trước đám đông. Nhóm này tôi chú trọng đào tạo để trở thành huấn luyện viên. Nhóm thứ 2 là các đối tượng có thể lực tốt và gan lì, lanh lợi, đòn kỹ thuật tốt nhưng thiếu tài ăn nói trước công chúng, hoặc việc học văn hoá cũng ở độ tầm tầm, thì tôi chú tâm đào tạo thành vận động viên vào các giải đấu. Còn nhóm thứ 3 là nhóm phổ thông, học được tới đâu hay tới đó.

Trong số môn sinh thành công thì tôi tâm đắc nhất là Nguyễn Thanh Liêm, người môn đệ xuất sắc đã đeo bám nghiệp võ xuyên suốt hơn 20 năm trời với nhiều thành công trong việc đóng góp công sức xây dựng và xiểng dương môn phái. VS Nguyễn Thanh Liêm đang phụ trách điểm tập ở Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn trụ vững và liên tục phát triển. Liêm đã thuộc bài “Độc lập tác chiến” mà tôi đã truyền thụ cho em.

Bên cạnh đó một số em khác tuy không thành công mấy trong nghiệp võ, song các em đã biết vận dụng “Mười hai phương châm Tu dưỡng và Hành xử của môn phái vào cuộc sống nên rất thành đạt như Nguyễn Văn Đề, Đào Hiền Đạo, Đặng Ngọc Viễn, Châu Minh Đạt, Nguyễn Xuân Thiên, Đặng Ngọc Thiện…

Những năm tình hình kinh tế chung của cả nước còn khó khăn, Vovinam – Việt Võ Đạo lại mở ra một sự kiện mới, đó là giải Vô địch VoViNam lần đầu tiên được tổ chức năm 1992 tại Sài Gòn.

Tuy là tỉnh lẻ, song thầy trò chúng tôi cũng cố gắng tham gia với 5 vận động viên.

Ngày lên đường vào Sài Gòn để dự giải, cả đoàn chúng tôi nấu cơm nắm và kho thịt mang theo. Khuya, xe đến Phan Rang dừng lại cho hành khách ăn uống. Ông Ngô Càn Tùng (Phó Trưởng Phòng TTVH&TDTT làm Trưởng đoàn) thân chinh vào một quán nước cạnh nơi đỗ xe mượn chỗ cho cả đoàn ngồi ăn, trong khi đó hành khách trên xe đều đã vào quán cơm sang trọng.

Hôm ấy tuy không cao lương mỹ vị, chỉ cơm nắm, muối vừng và thịt nguội nhưng đã để lại trong tôi một cảm xúc vừa ngậm ngùi vừa ấm áp. Mùa giải đầu tiên ấy đoàn chúng tôi đem về được 4 huy chương: 1 Bạc và 3 Đồng.

Trong những lần có cơ hội hầu chuyện với võ sư Chưởng môn, tôi đã học được nơi Người rất nhiều về đạo Đối Nhân Xử Thế. Thầy đã truyền cho tôi qua nhiều hình thức: Tâm tình, giảng giải, phân tích và cả la rầy quở trách nữa. Tôi cũng học được từ võ sư Nguyễn Văn Sen võ sư Lư Quang Đức về kỹ thuật, về đòn thế cương mãnh, võ sư Nguyễn Đình Nam về triết lý nhu nhuyễn, võ sư Nguyễn Anh Dũng, người đã dạy cho tôi phương pháp soạn giảng và giáo án lên lớp, nhưng điều đáng tiếc làm tôi ray rứt mãi là ngày thầy Nguyễn Anh Dũng vĩnh viễn ra đi tôi không hề hay biết! Tôi ngậm ngùi tiếc thương vô cùng!

Từ võ sư Hoàng Tiến Đăng tôi học được thuật Khí Công. Tuy không có là bao nhiêu, nhưng từ bài cơ bản ấy, về sau tôi đã tự tìm ra một phương pháp luyện tập riêng cho mình, kết quả mang lại khá tốt đẹp. Nhờ vậy trong một lần không may gần đây tôi bị tai nạn giao thông hết sức nghiêm trọng, tưởng đã mất mạng, nhưng rồi sau ca phẩu thuật não, và sắp lại nhiều chỗ xương gãy trong khắp người ở bệnh viện Quy Nhơn tôi đã thoát chết và hồi phục nhanh chóng. Sự hồi phục quá nhanh đã làm hội đồng Y, Bác sĩ và nhiều người khác phải kinh ngạc. Họ không biết do đâu, nhưng tôi thì biết…

Tôi không giỏi võ như những huynh đệ khác, nhưng tôi biết  tổng hợp. Và từ những kỹ thuật  do các thầy truyền dạy, những kinh nghiệm rút tỉa từ bản thân, tôi đã đúc kết thành một phương pháp, những cái mới cho mình. Tuy nhiên những phát kiến mới về đòn thế, về phương pháp huấn luyện, tôi cũng chỉ dừng lại ở phạm vi bản thân để thử nghiệm chứ chưa dám trình làng!

tung dai

Lễ tung đai khóa thi trung đẳng

Sau năm 1998, tuy  không trực tiếp tham gia giảng dạy nữa, song tôi vẫn một lòng chuyên tâm với môn phái. Tôi dành nhiều thời gian cho việc luyện tập và viết lách hơn, chủ đề của tôi vẫn là các bài viết về những tác động tích cực của môn phái với đời sống thường ngày, tôi cũng ghi chép lại các bài bản kỹ thuật, và tư liệu võ đạo. Trước là để khỏi quên, sau là làm tư tiệu cho các em của thế hệ sau tham khảo, trong lúc môn phái chưa có điều kiện phát hành rộng rãi các tài liệu về võ thuật cũng như lý thuyết võ đạo.

Đầu năm 2009,  tôi chuyển vào Sài Gòn và định cư tại quận Thủ Đức. Ở đây tôi đã gặp lại một số môn sinh cũ của tôi, nay đã thành đạt, kinh tế ổn định, các em có nguyện vọng được cùng luyện tập với tôi như dạo nào còn ở quê nhà để : trước là duy trì sự luyện tập nhằm đem lại lợi ích cho sức khỏe và quảng bá môn phái Vovinam, sau là thông qua hoạt động này các huynh đệ vừa là đồng hương, vừa là đồng môn được luôn gắng bó với nhau. Thế là chúng tôi làm thủ tục và thành lập một “Ngôi nhà chung”  mới,  quy tụ gần 20 môn sinh cũ đã tập lên chương trình Trung đẳng. Chẳng bao lâu sau chúng tôi tiếp nhận thêm một số môn sinh mới, đa phần là những anh em đã trưởng thành. Đây là một lớp tập khá thú vị. Thú vị ở chỗ hầu hết môn sinh đều lớn tuổi và những buổi đi tập họ chở theo cả vợ con đến xem cho đến hết giờ tập lại chở về. Tôi lại đứng ở vị trí mà hơn mười năm trước tôi vẫn đứng để rồi tiếp tục giữ  cho ngọn lửa VoViNam luôn rực cháy trong lòng các môn đệ của tôi.

cuuMSPY

Lớp cựu môn sinh Phú Yên tại Thủ Đức, thành phố HCM năm 2009

Với tôi, xếp sau Tổ Quốc là môn phái VoViNam, ở đó đã cho tôi cảm nhận được những cái hay cái đẹp nhất, không chỉ với những kỹ thuật đòn thế mà chính là một biển trời mênh mông về cái Đạo của một con người ./.

7 bình luận »

  1. Chao Thầy, em biết thầy Liêm từ năm em hoc vovinam nam 13 tuổi, vì lí do sức khỏe em đã chọn môn này. Đã lâu em không lại Phú Yên, thầy có thể cho em địa chỉ hay số điện thoại liên lạc võ đường vovinam tại Phú Yên được không ( em hoc tại võ đường Đường Duy Tân), năm 2011 em có tìm nhưng không biết võ đường đã chuyển đi đâu. Em tên Hồng Minh, nếu có thể thầy mail giúp em qua địa chỉ minhthanh161@gmail.com

    Bình luận bởi Hong Minh — Tháng Hai 13, 2012 @ 4:03 chiều | Trả lời

  2. Em thật sự xúc động khi đọc bài viết của Thầy! Em sẽ luôn tôn kính, noi theo tấm gương, ngọn lửa sáng thầy truyền. Em luôn phấn đấu trên con đường Vovinam Việt Võ Đạo! Nghiêm lễ! Môn sinh: Phan Gia Đức

    Bình luận bởi Phan GIa Đức — Tháng Năm 10, 2012 @ 10:37 sáng | Trả lời

    • Cảm ơn em đã đặt vào bài viết một tình cảm.
      Người môn sinh chân chính bất luận xuất thân từ đâu, và đạt đến trình độ nào đều luôn cố gắng vươn lên, giúp cho cuộc sống riêng mình và cuộc sống của xã hội tốt hơn như tôn chỉ của môn phái Vovinam đã đề ra từ khi khởi lập.
      Chúc em thành công và thăng tiến

      Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Năm 10, 2012 @ 10:42 sáng | Trả lời

  3. Tự hào người họ Châu phái Phú Yên.

    Bình luận bởi Châu Công Huyền — Tháng Hai 19, 2017 @ 7:44 chiều | Trả lời

  4. Chào thầy, con là Thanh Nguyễn – 1 trong những môn sinh mới của thầy khi thầy mở lớp quy tụ môn sinh ở Nhà Văn Hóa P.HBC, Q.Thủ Đức.

    Ngày con được gửi đến với thầy lúc ấy con chỉ mới 14 tuổi, không biết thầy còn nhớ con không? Con được thầy dạy dỗ từ khi nhập môn đến lúc thăng cấp Lam Đai Nhị, không lâu sau thì lớp ngưng lại, thời gian ấy các anh em chúng con phải dời lên Cao Đẳng Dệt May Vinatex để tập luyện, con tiếp tục đến Lam Đai Tam rồi thì ngưng lại…
    Con rất nhớ thầy!! 9 Năm trôi qua rồi, năm nay con 23 tuổi, tạm ngưng tập luyện cũng được 4 năm, bây giờ con cũng có gia đình nhỏ của mình, tuy vậy nhưng sức trẻ vẫn còn nhiều, con rất nhớ thầy cùng các sư huynh Phú Yên – các môn sinh cũ của thầy, đôi khi con vẫn ghé ngang nhà văn hóa P.HBC để xem người hàng xóm Thiếu Lâm Phạm Gia còn đó không và chính yếu là xem xem có huynh trưởng nào đến để xây dựng lại phong trào Vovinam ở đây không?!! Thời gian vẫn cứ trôi qua và ở đó cũng không có huynh đệ Vovinam nào đến nữa.

    Con nhớ lúc đó tuy lớp mình thiếu thốn nhiều về điều kiện nhưng ai cũng vui vẻ-hăng hái-hòa đồng, chỉ có điều lớp chiêu sinh liên tục mà vẫn thiếu thốn môn sinh. Đến khi thầy vắng mặt thường xuyên, anh em chúng con những người đam mê vẫn đến tập luyện liên tục cho tới khi nơi ấy tan rã đi. Bây giờ con thật muốn luyện tập lại cùng mọi người, không biết thầy còn dạy không? Sức khỏe thầy vẫn tốt chứ ạ? Con rất mong muốn được thầy chỉ dạy trở lại, nếu như thầy có đứng lớp ở đâu hoặc thầy biết có sư huynh(học trò của thầy) nào vẫn còn huấn luyện, xin thầy giúp con được đến nơi ấy đặng tập luyện trở lại, con rất cảm ơn thầy, con chúc thầy thật nhiều sức khỏe, tuổi thọ bên gia đình và tiếp tục truyền lửa đến cho những môn sinh Vovinam như chúng con!!

    *Nghiêm lễ!! Môn sinh: Phạm Thanh Nguyễn(Đệ tử của Thầy).

    Bình luận bởi Phạm Thanh Nguyễn — Tháng Sáu 24, 2018 @ 12:53 sáng | Trả lời

    • Cảm ơn con. Thầy rất xúc động khi đọc được những dòng này!
      Thật tình thì sáng giờ thầy vẫn chưa hình dung ra con! Tiếc quá! Có lẽ già rồi trí nhớ cũng kém đi nhiều và nhiều lý do khác nữa! Nhưng thầy tin chắc một điều rằng con là một môn sinh tốt. Chỉ học với thầy trong thời gian không dài nhưng sau khá lâu không gặp, con vẫn nhớ đến thầy, khiến cho thầy rất muốn gặp con.
      Nếu con ở gần Thủ Đức hoặc có dịp đi ngang qua đó, con gọi cho thầy. Chúng ta sẽ gặp nhau trò chuyện nhiều hơn nhé. Thầy vẫn khoẻ. Nếu con có dùng Facebook thì liên lạc với thầy qua Facebook Châu Minh Hay nhé.
      Sđt của thầy : 0982810893
      Thầy rất vui.
      Chào con.

      Bình luận bởi chauminhhay — Tháng Sáu 24, 2018 @ 9:57 sáng | Trả lời

  5. Cảm ơn Thầy, hi vọng gặp thầy.

    Bình luận bởi Trị — Tháng Năm 13, 2019 @ 1:28 sáng | Trả lời


RSS feed for comments on this post.

Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.